18/10/2022 16:33        

Sự phát triển thể chất của trẻ 1-3 tuổi

Sau rất nhiều những sự phát triển về thể chất của con như biết lật, biết bò, biết ngồi, biết đi

Bố mẹ lại tiếp tục chờ đón những cột mốc khác. Những khả năng mới của con khiến bố mẹ vui mừng cũng có mà “đau khổ” cũng có, và dù thế nào đi nữa thì đó cũng là những việc ắt phải xảy ra, cần thiết cho cuộc sống của con về sau. Đó là những khả năng gì ấy nhỉ?

Ném và đá bóng (12 tháng tuổi)

Chẳng bao lâu sau khi đón sinh nhật đầu tiên của mình, con bạn sẽ tỏ ra rất thích chơi với bóng – đầu tiên là ném bóng, đến khoảng 2 tuổi thì đá bóng, và khi khoảng 3-4 tuổi bé sẽ có thể chụp, bắt lấy bóng. Để giúp con rèn luyện những kỹ năng này:

- Ném bóng: đầu tiên bạn hãy lăn một quả bóng nhỏ, mềm giữa bạn và con. Sau một thời gian, bạn có thể tăng khoảng cách giữa hai mẹ con lên, và chẳng bao lâu con sẽ muốn ném bóng cho mà xem.

- Đá bóng: tương tự như trên, có điều bạn hãy chỉ cho con cách dùng chân thay vì tay để lăn quả bóng.

- Bắt bóng: hãy hướng dẫn con lăn bóng lên một đoạn dốc ngắn rồi bắt lại khi nó lăn xuống.

Ngồi xổm (12 đến 18 tháng)

Cho đến giờ, con vẫn phải cúi hẳn người xuống mỗi khi muốn nhặt món đồ nào đó dưới đất. Từ cúi người đến biết ngồi xổm là cả một bước tiến lớn, để giúp con đạt được kỹ năng này:

- Khi con chuẩn bị cúi xuống nhặt đồ, bạn hãy chỉ cho bé cách khuỵu đầu gối để ngồi xổm.

- Để con luyện tập. Rải vài món đồ chơi nhỏ trên nền nhà và chơi trò “tìm kho báu” để con phải di chuyển từ món đồ này sang món đồ kia và nhặt chúng lên – thật là một trò quá hay để con dọn đồ chơi mỗi khi chơi xong!

Kéo và đẩy (12 đến 18 tháng tuổi)

Một khi đã có thể bước đi tự tin, con sẽ tiếp tục tìm thấy niềm vui qua trò kéo và đẩy các món đồ chơi. Khả năng phối hợp của con cũng nhờ đó mà phát triển, vì trong lúc kéo đồ chơi về phía trước, thỉnh thoảng con sẽ phải ngoái nhìn phía sau.

Vậy bạn hãy cho con vài món đồ chơi dạng kéo, đẩy, hoặc cũng có thể tự chế bằng cách buộc một sợi dây vào chiếc xe hơi đồ chơi của con. Bạn phải hết sức lưu ý: trông chừng con trong lúc chơi hoặc chỉ dùng đoạn dây dài tối đa 30cm nhằm tránh nguy cơ dây quấn vào cổ con, gây nghẹt thở.

Leo trèo (12 đến 24 tháng)

Trẻ tuổi này rất “liều mạng” và thích leo trèo khắp nơi, từ giường ngủ đến bàn ghế, vì một lý do rất đơn giản: do chúng nằm ngay tầm mắt của con. Dĩ nhiên việc trèo lên bàn hay ghế với bạn chẳng đáng để gọi là thử thách gì cả, nhưng với con thì khác, vì khả năng lý luận của con không phát triển ngang hàng với khả năng vận động cũng như tính “liều”. Chuyện con bị ngã vì thế là điều sẽ phải xảy ra, nhưng bạn đừng vì thế mà tuyệt đối ngăn cản con; leo trèo là một bước tiến quan trọng về mặt thể chất, nó giúp con phát triển khả năng phối hợp để làm rất nhiều việc khác như bước lên bậc thang. Thay vào đó, bạn có thể giúp con bằng cách:

- Tạo môi trường an toàn cho con leo trèo: Thả những cái gối tựa hoặc gối nằm xuống sàn nhà có trải thảm, hoặc để con được chơi thoải mái ở các khu vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ.

- Neo chặt kệ sách và các đồ đạc khác vào tường, kể cả khi bạn nghĩ những món đồ đó quá nặng và không thể đổ được. Bạn cũng cần cất hết những món đồ trên kệ có thể rơi xuống đầu con hoặc có thể kích thích con trèo lên để lấy.

- Hạn chế các chỗ đặt chân lên để leo trèo, luôn chú ý đẩy ghế vào dưới gầm bàn…

- Lắp cửa chặn ở đầu và cuối cầu thang, đó là cách duy nhất ngăn con không trèo cầu thang một mình. Bạn hãy nắm tay con để hướng dẫn con học cách lên và xuống cầu thang an toàn.

Chạy (18 đến 24 tháng)

Nhiều đứa trẻ dường như từ bò chuyển luôn sang chạy chỉ trong tích tắc, trong khi những bé khác cần nhiều thời gian hơn. Vì sao? Bởi vì khi học chạy, chuyện té ngã sẽ xảy ra thường xuyên, và một số bé thích liều hơn những bé khác. Để khuyến khích con, bạn có thể:

- Chơi đuổi bắt với con ở những nơi ngã không đau lắm như bãi cỏ hay bãi cát, bạn có thể đuổi theo con, rồi đổi vai để con đuổi theo bạn.

- Chơi chạy đua, trò này sẽ càng vui nếu có những trẻ lớn hơn tham gia cùng.

Tập bỏ tã (24 đến 36 tháng)

Dạy con đi vệ sinh (không cần dùng tã nữa) là một trong những bước phát triển mà bố mẹ mong chờ nhất! Nhưng hãy nhớ rằng độ tuổi thích hợp để dạy rất khác nhau ở từng trẻ, sau đây là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thích hợp:

- Con cúi xuống săm soi cái tã, nắm lấy hoặc cố gắng cởi ra khi tã bị bẩn; con ngồi xổm hoặc bắt chéo hai chân khi muốn đi vệ sinh. Những hành động này cho thấy con đã đủ lớn để hiểu hơn về cơ thể của mình.

- Con quan tâm đến những thứ liên quan đến bô, muốn theo bố mẹ vào nhà vệ sinh hoặc nói chuyện đi tè, đi ị…

Nếu con bạn có những biểu hiện như trên, lại có thể tự kéo quần,  có thể kiên nhẫn ngồi một chỗ… thì hãy bắt đầu tập cho con bỏ tã. Bố mẹ hãy giúp con liên tưởng cảm giác “mắc tè”, “mắc ị” với việc ngồi bô; và khi thấy con có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, hãy nói một câu ngắn gọn như “đi vệ sinh đi con” hay “ngồi bô đi con” để nhắc bé.

Nhảy (24 đến 36 tháng)

Từ 2 đến 3 tuổi, con bắt đầu học cách nhảy khi đang ở tư thế khom người, và sau đó từ tư thế đang đứng. Bạn nghĩ rằng nhảy chồm chồm là “năng khiếu bẩm sinh” của bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng thật ra đây lại là một việc rất phức tạp. “Nhảy” đòi hỏi khả năng phối hợp hai phía, hay khả năng sử dụng cả hai phần bên trái và bên phải của cơ thể để thực hiện một hành động nào đó. Bạn có thể giúp con bằng các trò chơi sau:

- Nhảy từng bước: bạn đứng bên cạnh con trên lề đường hoặc trên một bậc thấp, nắm tay của con và nói, “Một, hai, ba, nhảy!” sau đó cùng nhảy xuống.

- Tập nhảy cóc: đây là một bước đệm để con tập nhảy từ tư thế đứng – một động tác phức tạp hơn nhảy từng bước. Dạy con tư thế khom người và vung tay khi nhảy tới, rồi dần dần con sẽ học được kỹ năng này và khiến bạn càng phải để mắt trông coi hơn nữa.

Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Parenting

 
Thư viện bài hát-thơ, truyện
Video